Chiến khu Bến Tiêm – Di tích lịch sử Bến Tiêm

Chiến khu Bến Tiêm ở đâu?

Di tích lịch sử chiến khu Bến Tiêm thuộc bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 10km về phía hạ nguồn sông Long Đại.

Đến di tích lịch sử chiến khu Bến Tiêm bằng đường sông là thuận tiện nhất. Từ Bắc vào hay Nam ra, trên đường 15A (thuộc hệ thống đường HCM) đến địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, dừng tại Đền tưởng niệm các TNXP (bờ Bắc cầu Long Đại), sau đó đi thuyền dọc sông Long Đại về hướng Tây khoảng 12km là đến di tích.

Phân loại di tích: 

Di tích Bến Tiêm thuộc loại hình di tích lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bến Tiêm không chỉ là chiến khu của huyện Quảng Ninh mà còn là chiến khu của tỉnh Quảng Bình. Tại đây, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn như Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ hai (10/1947) và lần thứ ba (6/1949), đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ ba

(8/1951).

Trong kháng chiến chống Pháp, Bến Tiêm còn là nơi xuất phát của nhiều tuyến đường bộ quan trọng như tuyến đường chính được xuất phát từ Bến Tiêm qua dốc Ư Bò, vượt các đinh Ba Rền, Bồng Lai, Cổ Giang, lên Troóc rồi ta Cao Mại. Tuyển vận tải đường sông kết hợp đường bộ từ Đò Vàng- Minh Cầm- Phong Nha- Xuân Dục- Bến Tiêm. Đây là những tuyến đường quan trọng, góp phần hết sức to lớn trong việc bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển hàng hóa trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp.

Nơi diễn ra Đại Hội đại biểu Đảng Bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ ba đã được tổ chức tại Bến Tiêm

Từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 8 năm 1951, có 200 đại biểu từ khắp nơi trong tỉnh đã về dự Đại hội. Huyện Quảng Ninh đã chuẩn bị mọi mặt công tác cho Đại hội. Được nhân dân giúp sức, các đơn vị vũ trang của huyện, tỉnh đã tập trung xây dựng từ hội trường, lán trại, tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đủ tối thiểu về vật chất cũng như tinh thần phục vụ cho Đại hội.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ ba tổ chức tại Bến Tiêm là sự kiện chính trị quan trọng có tác động lớn đến phong trào kháng chiến trên toàn tỉnh. Đại hội đã nhận định, từ sau Đại Hội II của Đảng Bộ tỉnh, phong trào kháng chiến của toàn dân đã có bước phát triển mạnh và giành được thắng lợi quan trọng. Thắng lợi lớn nhất là tạo ra được một cao trao “Quảng Bình quật khởi” rầm rộ và mạnh mẽ chưa từng có và sau đó là quyết tâm “hạ sơn” của cán bộ về bám đất, bám dân để kháng chiến. Đánh giá về thằng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của tuần lễ “Tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ ba đã khẳng định: “Tuần lễ này là một  mũi dùi đâm vào cái nhọt đã cương mủ lâu ngày. Nó là điểm đột biến của phong trào. Tuần lễ này khác với tuần lễ “Tổng diệt tề” đầu năm 1949 ở chỗ nó tập trung được một lực lượng quân, dân, chính, đáng, thống nhất được hành động toàn tỉnh, kết hợp với các mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế. Vì vậy nó đủ sức để vực phong trào lên làm cho quân địch choáng váng không biết chỗ nào mà chống đỡ, chuyển được thế yếu của ta thành thế mạnh, dồn địch từ thế mạnh sang thế yếu”. Từ sau Đại hội II đến cuối năm 1950, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi trên mặt trận quân sự, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng và bị tiêu hao, tiêu diệt nhiều.

Di tích lịch sử Bến Tiêm ngày nay

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngày nay, Chiến Khu Bến Tiêm không chỉ là điểm di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có giá trị mà nơi đây có thể được coi là một điểm du lịch kỳ thú hấp dẫn du khách khi đến với Quảng Ninh. Khoảng hơn một giờ đồng hồ ngồi trên thuyền, thư thái thả hồn mình giữa thiên nhiên, du khách sẽ đến Bến Tiêm, nơi một bên là núi, một bên là dòng Long Đại trong xanh, rồi thác Tam Lu với những cột thác cao, nước tung trắng xóa, du khách sẽ có một ngày được trải nghiệm với nhiều điều thú vị.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top